Xuất bản thông tin

null Xuất khẩu nông sản: Bộ Công Thương khuyến cáo điều gì?

Lịch tiếp công dân Tin tức

Xuất khẩu nông sản: Bộ Công Thương khuyến cáo điều gì?

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, Bộ Công Thương cho rằng cần sớm chuyển xuất khẩu sang chính ngạch, tức là tuân thủ toàn bộ các quy định của nước nhập khẩu.

Xuất khẩu nông sản chưa hết khó

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 4 tháng ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Điểm sáng trong tháng 4 đối với xuất khẩu nhóm hàng này là xuất khẩu thủy sản tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 1,05 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, riêng xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt 3,57 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cá tra và tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất). Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam. Tình hình xung đột Nga - Ukraine mặc dù tác động nhỏ đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga và Ukraine (Nga chiếm 2%, Ukraine chiếm 0,3%) nhưng lại có tác động lớn đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam khi hai thị trường này là 2 trong số 20 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.

 

Về các thị trường, tại thị trường Mỹ, Việt Nam đã thu về gần 4,9 tỷ USD nhờ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thị trường này chiếm 27,3% thị phần XK của nông sản Việt Nam.

Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc trên 3,2 tỷ USD (chiếm 18,1% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm 22,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản; thứ ba là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 1,3 tỷ USD (chiếm 7,1%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 44,0% giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản); thứ tư là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 822 triệu USD (chiếm 4,6%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ lớn nhất (chiếm 43,9% giá trị XK nông lâm, thủy sản).

Dù xuất khẩu nông sản có tăng trưởng ổn định, song vẫn còn một số khó khăn. Đơn cử, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, xuất khẩu dừa tươi sang Hoa Kỳ đang gặp khó. Cụ thể, trước đây, họ cho rằng chỉ cần gọt hết vỏ xanh là được, nhưng hiện cho lại cho rằng việc này không được và yêu cầu phải gọt hết vỏ trắng và đến tận sọ dừa.

Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, nếu chúng ta đàm phán được với Hoa Kỳ để họ chấp thuận cho Việt Nam xuất khẩu theo hướng cũ thì sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, dễ bảo quản.

Hoặc tại thị trường Trung Quốc, hiện nay dịch Covid-19 đang bùng phát. Do đó, các chuyên gia dự đoán tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc chưa thể khắc phục được trong thời gian ngắn. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt đang tích cực tìm giải pháp, đặc biệt là tìm nguồn hàng và thị trường thay thế, đồng thời nội địa hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro.

Tìm giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu nông sản

Mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc giai đoạn sau Covid-19. Tại hội nghị, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhiều khuyến cáo, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương để đáp ứng những tiêu chuẩn mới, xuất khẩu hàng hóa chính ngạch sang Trung Quốc. Thực tế hiện nay vẫn còn một số mặt hàng nông sản phụ thuộc hình thức xuất khẩu tiểu ngạch, dẫn tới rất nhiều yếu tố bị động, bất cập trong quá trình xuất khẩu nông sản, gây tổn thất kinh tế và các hệ lụy xã hội khác đối với doanh nghiệp và người dân.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, rất nhiều nông sản đã được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% nhưng đàm phán về quản lý chất lượng hàng hóa vẫn còn chậm nên tới nay mới có 9 loại trái cây được phép xuất khẩu vào nước này. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, việc tìm giải pháp để nông sản, thủy sản đáp ứng tốt hơn yêu cầu, tiêu chuẩn mới của thị trường Trung Quốc, tăng dần xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch và giảm xuất khẩu tiểu ngạch là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Để đẩy mạnh xuất nhập khẩu nông sản, Bộ Công Thương cho rằng cần sớm chuyển xuất khẩu sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, tức là tuân thủ toàn bộ các quy định của nước nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu, trong đó có các quy định về thuế, phí cũng như về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác v..v. Do đáp ứng được toàn bộ các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu nên hàng hoá xuất khẩu chính ngạch có thể vào thị trường nhập khẩu qua tất cả các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên biên giới đất liền.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh biên giới chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng kế hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thành lập các khu trung chuyển, kho bãi lưu trữ hàng hoá…

Đồng thời, khẩn trương triển khai mở rộng khu vực bến bãi cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá nhằm thúc đẩy chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Xây dựng cơ chế, chính sách giảm chi phí lưu kho, phí sử dụng cơ sở hạ tầng biên giới, khuyến khích hoạt động thương mại chính ngạch.

Đối với UBND các tỉnh vùng trồng, cần triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn, quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó tập trung vào một số các giải pháp như tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất theo kế hoạch, quy hoạch, giảm sản xuất tự phát, tăng sản xuất theo tín hiệu thị trường và theo đơn đặt hàng; nâng cao và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thuỷ sản, đáp ứng sự trông đợi của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước.

Đồng thời, căn cứ khả năng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản; phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân về phương thức sản xuất, nuôi trồng, đóng gói, chế biến... để đáp ứng tiêu chuẩn của từng nước, từng khu vực nhập khẩu.

Ngoài ra, đẩy mạnh việc đăng ký vùng trồng cũng như công tác truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch và giảm thời gian thông quan hàng hóa. Đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 (Trung Quốc đã dần trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của nước ta, bình quân chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu ra thế giới của nhóm hàng này)./.

Nguồn: sưu tầm

https://congthuong.vn/xuat-khau-nong-san-bo-cong-thuong-khuyen-cao-dieu-gi-177282.html