Xuất bản thông tin

null Những điểm lưu ý khi doanh nghiệp chuyển đổi số và kinh doanh thương mại điện tử

Chuyển đổi số Chuyển đổi số

Những điểm lưu ý khi doanh nghiệp chuyển đổi số và kinh doanh thương mại điện tử

Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) được xem là một trong những trụ cột của nền kinh tế số, đóng góp vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số. Thời gian gần đây, nhất là trong và sau đại dịch, doanh nghiệp đã buộc phải chuyển đổi số, kinh doanh TMĐT để thích ứng, phục hồi và phát triển.

 

Thị trường TMĐT Việt Nam phát triển năng động nhất ASEAN

Trong khuôn khổ DX Summit 2022, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết TMĐT là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi mà công nghệ tiên tiến của cách mạng công nghiệp 4.0 được áp dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của hoạt động kinh doanh, góp phần hiện đại hoá hệ thống phân phối và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

20221104-ta14.jpg

Trong giai đoạn 2015 đến nay, ông Quang cho biết triển khai thực hiện các nhóm mục tiêu lớn được đề ra tại Kế hoạch tổng thể thương mại điện tử do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị trường thương mại điện tử Việt Nam từ một thị trường mới nổi đã từng bước trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển năng động nhất khu vực ASEAN. Doanh số thương mại điện tử doanh nghiệp đến khách hàng (B2C) năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trong năm 2021 đạt khoảng 15% so với 2020. Việt Nam có mức độ tăng trưởng thương mại điện tử đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tới nhiều địa phương trong giai đoạn 2020 - 2021, gây thách thức cho chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hoá. Thực hiện vai trò đầu mối, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với bộ, ngành, địa phương, các sàn thương mại điện tử lớn triển khai việc kết nối, hỗ trợ bán hàng tiêu thụ nông sản trên nền tảng số. "Đây là một trong những giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao và là cánh tay nối dài bên cạnh các phương thức phân phối truyền thống, giúp bà con nông dân mở rộng thị trường trên khắp 63 tỉnh/thành, tận dụng ưu thế của công nghệ 4.0", ông Quang nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều chương trình thúc đẩy thương mại điện tử như gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử lớn và đã mang lại những hiệu quả tích cực khi kết nối thương mại điện tử thành công với gần 30 tỉnh/thành phố trong cả nước hỗ trợ các DN tiêu thụ được hàng ngàn tấn nông sản tới vụ, tiêu biểu là sự kiện hỗ trợ vải thiều ở Bắc Giang khi có tới 9000 tấn vải thiều và gần 1 triệu đơn hàng đã được thực hiện thông qua các sàn TMĐT như Sendo, Voso, Postmart, Tiki, Shopee, Lazada…

Trong bối cảnh một số tỉnh/thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội năm 2021, TMĐT cũng đã trở thành một phương thức phân phối hiệu quả, an toàn, đảm bảo cung ứng hàng hoá, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, bổ sung nguồn cung hàng hoá cho các chợ đầu mối và siêu thị. Phương thức này cũng đã góp phần duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi lưu thông với một loạt các chương trình đã được triển khai như đi chợ tại nhà trên Sendo, đi chợ online trên Lazada, thực phẩm bình ổn trên Shopee, đi chợ hộ trên Vỏ sò, hay các chương trình trên Tiki, Postmart.

Cùng với đó là hệ thống các siêu thị Vinmart, Big C, Mega Mart, Lotte Mart cùng đồng loạt triển khai các ứng dụng (app) thương mại điện tử trong việc tổ chức phân phối hàng hoá cho người dân các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội với hàng trăm tấn nông sản thực phẩm được tiêu thụ qua kênh trực tuyến.

Để thúc đẩy thương mại điện tử, ông Quang cho biết với vai trò quản lý nhà nước về thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã xác định, trong năm 2022 và giai đoạn tới, tiếp tục thực hiện các hoạt động trọng tâm nhằm phát triển thương mại điện tử, một trong những trụ cột của nền kinh tế số, đóng góp vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số.

Thách thức và giải pháp cho doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch và để phát triển, cạnh tranh, các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số và xúc tiến các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), chuyển đổi số giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí, tăng hiệu quả; tối ưu hoá và tự động hoá quy trình; nâng cao mức độ hài lòng của nhân viên; tăng mức cạnh tranh của sản phẩm; phương thức mới để tăng doanh thu; xác định đúng tập khách hàng; cải thiện trải nghiệm của khách hàng…

Còn theo ông Nguyễn Bình Minh, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), giảng viên thương mại điện tử, Đại học Thương mại, trong thời gian qua, thương mại điện tử Việt Nam đã bùng nổ khi nhiều doanh nghiệp chuyển dịch kinh doanh online. Điều này cũng tạo ra sức ép lớn khi nhiều doanh nghiệp mới chỉ bắt đầu hoà nhập hoạt động này do sự bắt buộc của thị trường và chưa quen với kinh doanh thương mại điện tử. Do đó, doanh nghiệp lúng túng, chưa biết định hướng, triển khai hoạt động, kinh doanh thương mại điện tử từ đâu cho đúng. Các doanh nghiệp cũng khó khăn khi xây dựng các nguyên tắc hoạt động online và có hiện tượng tự phát lớn.

Với vai trò của một hiệp hội là định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh online hiệu quả, VECOM đã liên tục triển khai các hoạt động đào tạo ngắn hạn về thương mại điện tử, tổ chức các chương trình, chuỗi sự kiện liên quan đến hoạt động thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới, non trẻ, startup. "Điều này đã cải thiện được phần nào thực tế là các doanh nghiệp còn thiếu kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử", ông Minh cho hay.

Ông Minh cũng nhận định nguồn nhân lực thương mại điện tử hiện tại trên phạm vi cả nước tương đối thiếu. Trên cả nước có tới 40 - 50 trường Đại học tham gia đào tạo thương mại điện tử nhưng nguồn nhân lực tại chỗ cần thiết cho các doanh nghiệp vẫn còn thiếu. Theo đó, cần thúc đẩy đào tạo tại chỗ, nghĩa là tái sử dụng nguồn lực hiện có của doanh nghiệp chuyển sang làm thương mại điện tử. "CĐS, hướng các DN kinh doanh TMĐT là điều hết sức quan trọng và các khoá đào tạo ngắn hạn phổ cập kiến thức về kỹ năng cho các DN trên phạm vi cả nước là hết sức cần thiết".

Theo nhấn mạnh của ông Minh, nhân lực CĐS được xem là hạt nhân để phát triển CĐS trong tương lai. Bởi nếu không có con người thì chúng ta cũng không biết là ai sẽ là người thực hiện những hoạt động đó và những người đó không có kỹ năng, nhận thức thì quá trình CĐS của DN sẽ rất khó khăn, hoạt động TMĐT gặp trở ngại.

Ông Minh cũng cho biết VECOM cũng đã chỉ ra có khoảng cách số lớn giữa Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh/thành phố, đặc biệt là các tỉnh vùng sâu, xa nên việc hỗ trợ CĐS ở các địa phương hiện nay được xem là nhu cầu bức thiết. Sau làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 3 tại Việt Nam năm 2021, các DN dù đã có nhiều cố gắng thúc đẩy hoạt động TMĐT nhưng rất ít DN đạt khả năng tăng trưởng và đột phá trong thời gian khó khăn đó do các DN thiếu chuẩn hoá một loạt quy trình, đào tạo thực hành đối với các nền tảng TMĐT.

Để chuẩn bị nhân lực chuyên nghiệp trong thời gian tới, mạng lưới các trường ĐH đào tạo TMĐT đang được nỗ lực hình thành để đưa ra các quy trình, giáo trình, tài liệu chuẩn để giúp các trường củng cố đội ngũ giảng viên, thực hành cho các sinh viên làm việc cho các DN trong các năm tới có thể thích nghi với sự phát triển nhanh, đặc biệt là đối với quá trình CĐS.

Trao đổi về lợi thế DN CĐS, kinh doanh TMĐT, ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch HĐQT Getfly cho biết DN cần nắm bắt: tận dụng được bán hàng đa kênh, giao dịch TMĐT đạt tốc độ cao và giúp tối ưu lại quy trình hiện tại của DN. Đây cũng là 3 yếu tố không thể tách rời của TMĐT.

Nói về thách thức lớn nhất của DN khi CĐS, kinh doanh trực tuyến, ông Hoàng cho rằng không phải nằm ở công cụ, mà chính là ở trong nội bộ của DN. Sự chưa quyết tâm của lãnh đạo, nhân viên DN chính là thách thức lớn nhất. Bởi vậy, nếu DN nhận thức được thì giúp cho quy trình mạnh lên, áp dụng công cụ, mở rộng kênh bán hàng, tối ưu những cái hiện có thì DN sẽ hiệu quả hơn rất là nhiều.

Sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, tổ chức nghề nghiệp

Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Nguyễn Thế Quang cho biết cơ quan nhà nước (CQNN) có kế hoạch phát triển TMĐT qua nhiều năm. Trong các kế hoạch triển khai TMĐT đều có chương trình đào tạo TMĐT, đặc biệt đào tạo các địa phương, đào tạo cả DN. Các chương trình đào tạo cũng một số sàn TMĐT lớn tham gia đào tạo trực tiếp cho các bà con nông dân, đưa TMĐT đến gần với bà con trong tiêu thụ sản phẩm của mình.

Trong khi đó, ông Minh cho hay với tình hình biến động trên thế giới, các DN nhìn chung phải thích nghi, phải thay đổi nhưng quan trọng là thay đổi cái gì và như thế nào. Những lúc này, DN kinh doanh TMĐT cần VECOM hơn bao giờ. VECOM là nơi tập hợp của tri thức DN thành viên. Vì vậy, VECOM đã phối hợp với nhiều nhà khoa học, giảng viên các trường ĐH trên cả nước để đánh giá tình hình, sự thay đổi của DN. Qua các sự kiện thường niên, VECOM có thể cập nhật những thay đổi, định hướng, công nghệ mới để giúp các DN thích ứng, thay đổi hoặc là khai thác công nghệ nào hiệu quả.

Về phía DN, ông Minh chia sẻ: "Để trở thành một DN TMĐT bền vững thì không chỉ gói gọn trong việc ứng dụng. DN phải thích ứng, chuyển dịch, tái cơ cấu của các DN trong hoạt động kinh doanh. TMĐT sẽ cho DN thấy có tăng trưởng rõ ràng. Các DN muốn hoạt động TMĐT cần sự hỗ trợ của VECOM, thông qua đào tạo, cập nhật kiến thức để chuẩn bị tốt hơn trong những năm tới".

Ông Minh cũng chia sẻ DN nên tìm hiểu các báo cáo của VECOM để giúp định hình phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, cần nỗ lực có nhiều chuyên gia thực tế tại các DN, sàn TMĐT, ứng dụng phần mềm và tư vấn giải pháp, DN cung cấp giải pháp, sản phẩm giúp DN thoải mái lựa chọn, được sàng lọc đánh giá của chuyên gia để DN không mất thời gian lựa chọn công cụ.

Ngoài ra, để chuẩn bị nhân lực TMĐT, VECOM cũng đang tìm kiếm hợp tác quốc tế để hỗ trợ đào tạo lãnh đạo cấp CEO, chủ tịch tập đoàn để thay đổi nhận thức, đặt nền móng cho sự chuyển dịch về CĐS cho toàn bộ hệ thống TMĐT từ DN vừa đến lớn.

Tổng kết lại, ông Minh cho biết có 5 giải pháp kinh doanh TMĐT DN nên lưu ý thêm là: (1) kinh doanh hàng hoá có chất lượng và có truy xuất nguồn gốc; (2) khai thác sàn giao dịch TMĐT Việt Nam; (3) phối hợp nhiều công cụ marketing số, nền tảng kinh doanh số; (4) tận dụng mạng xã hội, chia sẻ video ngắn; (5) triển khai các hệ thống TMĐT đa kênh (multi channel) và hợp kênh (omni channel)./.

Theo ictvietnam.vn