Xuất bản thông tin

null Triển khai Đề án “ Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”

Chi tiết bài viết Tin tức

Triển khai Đề án “ Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”

Sáng ngày 05/02/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng gần đây luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm, chiếm trên 55% sản lượng lúa, 90% sản lượng xuất khẩu của cả nước. Riêng tại Đồng Tháp, với nguồn nước ngọt và lao động dồi dào, là một trong những địa phương sản xuất lúa lớn của Việt Nam, diện tích gieo trồng lúa năm 2023 đạt 497.903 ha, sản lượng dự kiến đạt 3,34 triệu tấn; ước lượng xuất khẩu gạo đạt 584.142 tấn, tăng 41,37% so với năm 2022; kim ngạch đạt 336,26 triệu USD, tăng 66,66% so với năm 2022, đạt 144,94% Kế hoạch (KH 232 triệu USD).

Sản xuất lúa gạo góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho hàng triệu hộ trong vùng. Hiện nay đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình sản xuất lúa tiên tiến, thân thiện môi trường đã áp dụng góp phần thúc đẩy sản xuất lúa gạo bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo vẫn còn những hạn chế như: chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa với HTX, doanh nghiệp. Canh tác lúa chưa bền vững do người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính,…

Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.

Quang cảnh Hội nghị triển khai Đề án

Mục tiêu chung của Đề án hướng đến hình thành một triệu héc ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu giảm phát thải khí nhà kính góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam ./.

Ngọc Cẩm - P. QLCN