Innehållspublicerare

null Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

DỰ ÁN ĐẦU TƯ Tin tức

Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Ngày 19 tháng 3 năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 257/QĐ-UBND-HC về ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh tỉnh Đồng Tháp (Đính kèm: Quyết định số 257/QĐ-UBND-HC).

Thực hiện Quyết định số 257/QĐ-UBND-HC, Sở Công Thương Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 1001/KH-SCT ngày 03 tháng 4 năm 2025 về triển khai thực hiện phân loại, lưu trữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ngành Công Thương năm 2025 (Đính kèm: Kế hoạch số 1001/KH-SCT).

Theo đó, Kế hoạch đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025 đạt các mục tiêu sau:

  - Trên 70% cơ sở trong cụm công nghiệp triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đảm bảo theo phương thức chung của Tỉnh.

- Trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đảm bảo theo phương thức chung của Tỉnh.

- Trên 80% chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Do đó, triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn ở cơ quan, đơn vị, theo nguyên tắc chia thành 03 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 9368/BTNMT- KSONMT ngày 02 tháng 11 năm 2023. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển và công nghệ xử lý hiện có, phù hợp với điều kiện nguồn lực, tình hình thực tế địa phương.  Chất thải rắn sinh hoạt được phân thành 03 nhóm. Cụ thể như sau:

- Nhóm 1: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tại chế (giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ).

- Nhóm 2: Chất thải thực phẩm (thức ăn thừa; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau sơ chế, chế biến món ăn…; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản).

- Nhóm 3: Chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm:

+ CTRSH nguy hại: Bóng đèn huỳnh quang hư; pin, ắc quy đã qua sử dụng; vỏ bình, chai, lọ đựng hóa chất,…

+ Chất thải cồng kềnh: chất thải được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác như gốc cây, thân cây hoặc cành cây,…

+ Chất thải từ hoạt động cải tạo, phá vỡ công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân.

+ CTRSH còn lại.

Việc phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và góp phần giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường, tiết kiệm được chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

Thị Nguyên – P. Công nghiệp