Xuất bản thông tin

null EVFTA: con đường cao tốc không miễn phí

Chi tiết bài viết Tin chuyên ngành

EVFTA: con đường cao tốc không miễn phí

Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020. Đối với lĩnh vực xuất khẩu, hiệp định sẽ mang đến nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng có không ít thách thức đến từ các rào cản kỹ thuật cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, EU là một trong 3 thị trường đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. EVFTA có hiệu lực sẽ mang lại cơ hội nâng cao khả năng cạnh tranh đối với các mặt hàng thủy sản, rau quả, trong đó một số mặt hàng, như: tôm, dứa, dưa, thanh long... sẽ được giảm ngay dòng thuế về 0%. EU cũng được đánh giá là thị trường có quy mô lớn nhất về tiêu thụ hàng may mặc, dệt may. Trong khi thương mại nội khối mới đáp ứng được 40% và 60% còn lại đến từ các nước đang phát triển ngoài EU. Do đó, khi EVFTA có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam vào EU sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn các đối thủ khác, tiêu biểu là Trung Quốc.

         Tuy nhiên, nếu ví EVFTA là con đường cao tốc cho xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang EU, thì đây là con đường hoàn toàn không miễn phí và chính các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa sẽ trở thành những tấm vé thông hành. EU không chỉ đòi hỏi về chất lượng sản phẩm, mà quy trình sản xuất, xuất xứ nguyên liệu, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động cũng có những tiêu chuẩn bắt buột cần đáp ứng. Rào cản kỹ thuật và đòi hỏi về an toàn vệ sinh dịch tễ cao của EU là một thách thức lớn đối với hàng hóa Việt. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên liệu sản xuất của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ ASEAN và Trung Quốc; do vậy, muốn vượt qua được quy tắc xuất xứ này cần phải nỗ lực rất lớn. Trình độ quản trị và công nghệ của các doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế cũng là một thách thức lớn trong tiếp cận EVFTA. Mặc dù Việt Nam có gần 1 triệu DN nhưng số lượng DN vừa và nhỏ có vốn dưới 20 tỷ đồng chiếm đến trên 97%, trong khi đó thị trường EU với 27 quốc gia, thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.000 USD vẫn luôn được biết đến là thị trường khó tính hàng đầu thế giới. Theo các chuyên gia nhận định, mặc dù Việt Nam đã đàm phán và ký kết thành công nhiều hiệp định kinh tế, nhưng có hội mang lại chủ yếu dành cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), còn doanh nghiệp trong nước tận dụng được lại chiếm tỉ lệ rất thấp. Qua đó có thể thấy, mặc dù EVFTA đã mang đến rất nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt xuất khẩu sang EU, nhưng để tận dụng được những cơ hội đó, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành về thể chế, chính sách, thông tin; điều quan trọng nhất là bản thân các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị nguồn nội lực cho mình, đổi mới trong quản trị, sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ…trước khi giương buồm ra biển lớn. /.

Minh Thư - Phòng KHTCTH