Xuất bản thông tin

null FTA: Câu chuyện khai thác sau ký kết

TUYÊN TRUYỀN Tin chuyên ngành

FTA: Câu chuyện khai thác sau ký kết

Trong những năm qua, với mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu, Việt Nam đã rất nỗ lực trong công tác đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tính đến nay, nước ta đã đàm phán thành công 13 FTA với nhiều thị trường lớn trên thế giới, có thể kể đến như: ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… và mới đây nhất là EU. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang trong tiến trình đàm phán 03 FTA với các nước ở khu vực châu Âu và châu Á.

Tuy vậy, các FTA ở Việt Nam đang bị lãng phí, theo số liệu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng thuế quan theo FTA đạt 47,55 tỷ USD, chiếm chỉ 37,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA. Với vai trò đối tác xuất khẩu chiến lược của Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường có kim ngạch tận dụng ưu đãi thuế quan cao nhất, đạt mốc 13 tỷ USD. Tiếp theo đó là Hàn Quốc và ASEAN với giá trị lần lượt là 9,82 tỷ USD và 8,87 tỷ USD. Tuy nhiên nếu xét về tỷ lệ, Việt Nam đã tận dụng ở mức độ tốt các FTA với Hàn Quốc với 78%, mức độ khá với Nhật Bản 32%, Trung QuốcASEAN chỉ ở mức độ trung bình với lần lượt 27%,  20,7%. Xét về cơ cấu mặt hàng, giày dép là ngành hàng có tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ FTA rất cao, đạt hơn 90%, theo sau đó là các sản phẩm nhựa và dệt may. Nông sản và thủy sản vẫn chưa phát huy được ưu thế, mặc dù nhận được nhiều điều khoản có lợi trong khi đàm phán do gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của đối tác. Có thể thấy rằng các doanh nghiệp lớn, tận dụng hiệu quả FTA đa phần là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù Việt Nam có hơn một triệu doanh nghiệp nhưng hơn 98% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỷ lệ mà đối tượng doanh nghiệp này tận dụng được các FTA là rất thấp. Do các doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chế về nguồn lực, dẫn đến gặp khó khăn trong công tác xây dựng nền tảng số và các tiêu chí đáp ứng điều kiện nhập khẩu của các đối tác FTA. Thêm vào đó, là sự thiếu am hiểu về luật pháp thương mại quốc tế, các hiệp định… đã là một thách thức rất lớn, chưa kể đến tận dụng và khai thác có hiệu quả. Ở chiều ngược lại, FTA không chỉ mang lại lợi thế về xuất khẩu cho Việt Nam, mà còn có những ưu đãi cho phía đối tác. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cũng phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ sản phẩm nhập khẩu, vốn sẵn có nhiều ưu thế về tiêu chuẩn và chất lượng. Có thể thấy rằng, đằng sau mỗi FTA được đàm phán thành công, vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn để doanh nghiệp thật sự hưởng được lợi ích từ đó. Công tác này đòi hỏi sự nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp của các cấp ngành một cách tập trung, cụ thể, sâu sát và hiệu quả hơn. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp cũng cần xây dựng cho mình nền tảng kiến thức vững chắc về luật pháp thương mại quốc tế nói chung và các FTA nói riêng, để các các hiệp định này thật sự phát huy hiệu quả như mong đợi sau khi ký kết./.

Minh Thư - P.KHTCTH