Xuất bản thông tin

null Ưu đãi từ EVFTA - Đồng Tháp giữ đà tăng trưởng về xuất khẩu gạo, xuất khẩu cá tra chưa có nhiều khởi sắc

CHUYÊN NGÀNH Tin chuyên ngành

Ưu đãi từ EVFTA - Đồng Tháp giữ đà tăng trưởng về xuất khẩu gạo, xuất khẩu cá tra chưa có nhiều khởi sắc

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam nói chung và của tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh Đồng Tháp giảm 21,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thủy sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Tỉnh, chiếm trên 75% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid – 19. Trong 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 24,88% so cùng kỳ. Do sự sụt giảm từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Trung quốc, Mỹ, EU,...

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 01 tháng 8 năm 2020) đến nay. Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhất là Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam đã làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác, là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

 

 

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có của tỉnh Đồng Tháp đã dần ổn định và một số mặt hàng có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau gần 2 tháng EVFTA được thực thi. Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, gạo Việt xuất khẩu sang Châu Âu đã có những tín hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Trên thị trường thế giới, giá gạo Việt Nam đang ở mức khá cao trong nhiều năm trở lại đây. So với giá gạo trắng cùng loại của các nước xuất khẩu lớn ở trong Top 5 là Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Myanmar, giá gạo trắng Việt Nam hiện đang cao nhất. Theo cam kết của EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm đối với sản phẩm từ gạo. Tháng 9/2020, xuất khẩu gạo của tỉnh Đồng Tháp tăng 16,53% về khối lượng và tăng 22,56% về giá trị so với tháng cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh mặt hàng gạo, thủy sản cũng là ngành hàng được hưởng lợi từ ưu đãi về thuế quan trong các FTA. Có khoảng 220 mã hàng thủy sản được giảm thuế về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Trong đó có cá tra của Việt Nam, cũng là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp cá tra Việt Nam hy vọng sẽ có một bước nhảy xuất khẩu sang khối thị trường truyền thống rộng lớn này. Bởi nhiều sản phẩm cá tra xuất khẩu như cá tra nguyên con đông lạnh; cá tra tươi, ướp lạnh; cá tra phile tươi, ướp lạnh; cá tra phile đông lạnh có mức thuế xuống còn 0%; các sản phẩm cá tra chế biến được giảm thuế từ 14% xuống còn 0% trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, từ những tháng đầu năm xuất khẩu cá tra liên tục giảm mạnh do ảnh hưởng bởi tình dịch dịch bệnh ở một số nước nhập khẩu lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc,… sau gần 2 tháng EVFTA được thực thi, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra qua EU chưa tận dụng được ưu đãi từ EVFTA do dịch bệnh tại thị trường này còn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia tại EU còn là tâm điểm của đại dịch dẫn đến hoạt động giao thương bị ngưng trệ. Có thể thấy, tính đến hiện tại xuất khẩu cá tra vẫn chưa có nhiều khởi sắc. Riêng tỉnh Đồng Tháp, trong tháng 9 kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 25,79% so cùng kỳ năm 2019, lũy kế 9 tháng giảm 24,88% so cùng kỳ năm 2019.

Với Hiệp định EVFTA, những thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam là các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác FTA. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, để nắm bắt tốt thời cơ này cần sự liên kết chặt chẽ và bền vững hơn nữa giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa các vùng sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau./.

Bé Mỷ - P.KHTCTH