Xuất bản thông tin

null Kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa 05 tỉnh ĐBSCL với TP.Hồ Chí Minh

TUYÊN TRUYỀN Tin tức

Kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa 05 tỉnh ĐBSCL với TP.Hồ Chí Minh

Trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa qua biên giới phía Bắc đang gặp nhiều khó khăn, ngày 15/01/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã linh hoạt tổ chức chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa 05 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang) với Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung tuy đã có sự hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ nông sản, tuy nhiên kết quả thực hiện chưa tương xứng với kỳ vọng. Chính vì vậy, qua chương trình kết nối cung cầu này, mong muốn sẽ có nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác, bản hợp đồng được ký kết giữa các bên.

Chủ trì buổi kết nối có ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp,
ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp
và bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Chương trình thu hút hơn 100 đơn vị gồm các doanh nghiệp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán của Đồng Tháp, đại diện đến từ 4 địa phương: Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang.

Trước đó, đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cùng các đơn vị liên quan đã có chuyến khảo sát các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trong buổi chiều nay, 05 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã lần lượt giới thiệu tiềm năng, thế mạnh nông sản, hàng hóa của địa phương và nhu cầu kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp, cũng như sẵn sàng thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Phía các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Công ty Cổ phần Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức, Công ty Central Retail, Công ty Vina T&T Group, Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh v.v. đã cung cấp nhiều thông tin về yêu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa, nông sản (về chất lượng, mẫu mã, kích cỡ, bao bì) ở các phân khúc thị trường khác nhau.

Bên cạnh chất lượng, giá trị văn hóa trong mỗi sản phẩm cần được quan tâm, vì đây cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo ấn tượng để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm.

Về thị trường tiêu thụ hàng hóa dịp Tết nguyên đán sắp tới, Công ty Cổ phần Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức cho biết, từ ngày 22 đến 28 âm lịch, các mặt hàng trái cây chủ lực mà thị trường có nhu cầu cao đó là: Xoài, bưởi, mảng cầu, thanh long. Và Chợ Nông sản Thủ Đức sẽ hoạt động 24/24 giờ, không phải như hiện tại là chỉ hoạt động ban đêm.

Bà Phan Thị Thắng cam kết sẽ tạo điều kiện đưa hàng hóa của các địa phương
vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống phân phối của Thành phố;
tiếp tục hỗ trợ nông dân, nhà vườn, hợp tác xã các tỉnh tham gia các chương trình
kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại

Để tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa trong thời gian tới, bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị lãnh đạo các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu; tạo nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc, thương hiệu uy tín v.v.. Qua đó tạo lập một khu vực thị trường mới, quy mô lớn, ổn định lâu dài cho doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh theo dõi quá trình triển khai thực hiện các hợp đồng ký kết; Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu đề xuất của Hội Công nghệ Cao Thành phố Hồ Chí Minh và các sàn thương mại điện tử (Tiki, Sen đỏ) tham mưu triển khai giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều phối nông sản của vùng v.v..

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay tỉnh Đồng Tháp có nhiều sản phẩm hàng hóa, nông sản đạt chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh có trên 4.300 doanh nghiệp, trên 200 hợp tác xã, 1.500 tổ hợp tác, 115 hội quán và 180 chợ, 08 siêu thị. Với số lượng này sẽ tạo ra mạng lưới phục vụ nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Song song với khai thác thị trường xuất khẩu, trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tập trung cho thị trường nội địa và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp mong muốn các nhà phân phối, nhà đầu tư hãy nêu yêu cầu đặt hàng và tỉnh luôn cầu thị lắng nghe góp ý và sẵn sàng chào đón nhà đầu tư bất cứ lúc nào.

Thành công bước đầu của chương trình đó là có 22 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết, trong đó, các đơn vị ký kết về xây dựng vùng nguyên liệu tại tỉnh Đồng Tháp, kết nối tiêu thụ hàng hóa phục vụ Tết và ký kết hợp tác đầu tư logistics.

Các đơn vị ký kết cung ứng và tiêu thụ hàng hóa phục vụ Tết

Tại chương trình này, Sở Công Thương Đồng Tháp ký kết với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh về việc hướng dẫn thực hành sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững các mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh Đồng Tháp; Sở Công Thương Đồng Tháp ký với Công ty Cổ phần Tiki, Công ty Cổ phần Công nghệ Sendo, Hội Công nghệ cao, Big C về phát triển thương mại điện tử và xây dựng chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản.

Nguồn: https://dongthap.gov.vn