Xuất bản thông tin

null Phát triển thương mại điện tử bền vững

Chi tiết bài viết Tin tức

Phát triển thương mại điện tử bền vững

Trong khuôn khổ Chương trình Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday lần thứ 10 (Chương trình), thực hiện Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia, sáng ngày 01/12/2023, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị Phát triển thương mại điện tử Việt Nam với chủ đề: Phát triển thương mại điện tử bền vững. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Trong 10 năm qua, Bộ Công Thương tổ chức Chương trình với sứ mệnh đồng hành cùng thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã giải quyết các khó khăn, thách thức về nhận thức, niềm tin của toàn dân về mua sắm trực tuyến; khó khăn về hạ tầng công nghệ hỗ trợ... qua đó góp phần thúc đẩy thị trường TMĐT Việt Nam phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ.

Bên cạnh những hoạt động khuyến mại, giảm giá của các doanh nghiệp, Hội nghị là hoạt động có ý nghĩa tạo môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp trình diễn những công nghệ mới nhất và các mô hình thương mại điện tử tiên tiến, các giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử để người tiêu dùng trải nghiệm, xây dựng thói quen, kỹ năng thương mại điện tử mới.

TMĐT là một trong những trụ cột góp phần tăng trưởng quy mô nền kinh tế số tại Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ. Từ những ngày khái niệm "thương mại điện tử" (TMĐT) còn khá xa lạ với người tiêu dùng; giao diện, hiển thị sản phẩm, dịch vụ, gian hàng còn đơn giản; số lượng nhà bán hàng ứng dụng TMĐT chưa đa dạng và tốn nhiều công sức để có những đơn hàng đầu tiên. Thì giờ đây TMĐT Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16-30%/năm và dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023 này.

Điều này chứng tỏ rằng TMĐT ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Cùng với đó, thị trường TMĐT tại Việt Nam cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát v.v... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

Những kết quả đạt của TMĐT Việt Nam xuất phát từ sự chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, sự đồng hành, chung tay giữa Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp liên quan.

Bên cạnh những kết quả tích cực, TMĐT cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics TMĐT còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến...

Để từng bước giải quyết các khó khăn, thách thức trong thương mại điện tử, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình Online Friday thực hiện đúng sứ mệnh là giúp cho thị trường TMĐT Việt Nam phát triển bền vững - Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể trong hoạt động thương mại điện tử.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị ban tổ chức, các chuyên gia tập trung chia sẻ định hướng tổng thể phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, các nội dung tập trung vào thực trạng phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, các khó khăn, thách thức cụ thể đang gặp phải trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử. Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu nhà nước và doanh nghiệp cùng đề xuất các các giải pháp ứng dụng công nghệ số thúc đẩy hệ sinh thái phát triển thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng và các chủ thể tham gia giao dịch trực tuyến.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh

Làm thế nào để TMĐT phát triển bền vững?

Tiếp thu các chỉ đạo của Thứ trưởng, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho biết thêm, phát triển bền vững đối với bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải bao gồm đầy đủ các yếu tố tăng trưởng ổn định tích cực, đảm bảo sự cân bằng không ai bị bỏ lại phía sau, đáp ứng xu thế xanh, bảo vệ môi trường và đặc biệt là bảo vệ người tiêu dùng. 

Chính vì vậy, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh mong muốn tại Hội nghị, không những diễn giả mà tất cả đại biểu được mời đến sẽ cùng nhau thảo luận để đưa ra được những đáp án hay cho câu hỏi: Làm thế nào để TMĐT phát triển bền vững? Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cần làm gì để hỗ trợ phát triển TMĐT bền vững?

Tại Hội nghị, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chủ trì, phối hợp cùng lãnh đạo Báo Công Thương, đại diện Văn phòng phẩm Deli, các Sàn TMĐT, doanh nghiệp, tất cả đều là doanh nghiệp uy tín hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ chia sẻ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử đi đôi với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể tham gia thương mại điện tử. 

Từ phía Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đưa ra một mô hình định hướng phát triển Hệ sinh thái số để phát triển thương mại điện tử bền vững trên cơ sở bao hàm từ các hoạt động chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số đến các nhóm giải pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể tham gia giao dịch TMĐT. 

Đại biểu tham dự được lắng nghe định hướng chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến của Lãnh đạo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia; về thực trạng những khó khăn, thách thức khi hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam từ góc độ cơ quan quản lý địa phương, từ các ngân hàng, các tổ chức thanh toán, các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp chuyển phát và hiệp hội thương mại điện tử…. 

Ngay tại Hội nghị, cơ quan quản lý và các sàn TMĐT, trung gian thanh toán, ngân hàng đã cùng chung tay ký kết hợp tác, tham gia Hệ sinh thái số, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể tham gia giao dịch thương mại điện tử. 

Từ sự tham gia đồng lòng này các sàn TMĐT, doanh nghiệp sản xuất sẽ có sự cộng hưởng để tạo ra hệ sinh thái bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời cùng nhau triển khai nhiều giải pháp cam kết về chất lượng hàng hóa để mang lại trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng.

Đây sẽ là điểm khởi đầu cho giai đoạn mới của thương mại điện tử Việt Nam không chỉ phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ mà còn bền vững, mang lại nhiều giá trị hơn cho tất cả các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử.

Trong khuôn khổ Hội nghị, phiên Tọa đàm với chủ đề: “Giải pháp hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam’ đã  thu hút nhiều sự quan tâm, trao đổi của đông đảo doanh nghiệp đến tham dự. 

Ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ: “Thương mại điện tử Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới, tập trung vào mục tiêu bền vững dựa trên sự kết hợp giữa thị trường và công nghệ. Tận dụng lợi thế sẵn có về cộng đồng người dùng cùng trọn bộ giải pháp hỗ trợ bán hàng hiệu quả, TikTok sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà bán hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam đạt được doanh thu tích cực trên nền tảng. Song song đó, chúng tôi vẫn đang nỗ lực không ngừng để mang đến trải nghiệm mua sắm kết hợp giải trí liền mạch, sáng tạo và an toàn cho người dùng.  Được đồng hành cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là vinh dự của chúng tôi để đóng góp vào tiến trình chung xây dựng hệ sinh thái số toàn diện, hướng đến những cam kết lành mạnh và bền vững giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”

Từ những chia sẻ, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp đến Bộ Công Thương tại Hội nghị, Chương trình tiếp tục có thêm cơ hội hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến. Từ đó, có thể tham mưu với lãnh đạo Chính phủ các định hướng, kế hoạch phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT, tiếp tục đưa TMĐT đóng vai trò chủ đạo đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế số.